Kiến thức về máy kinh vĩ quang cơ
1. Máy Kinh Vĩ là gì:
Là một dụng cụ quang học, có thể đo góc đứng và góc ngang bằng cách nhắm các mục tiêu trong không gian bằng ống kính hoặc tâm ruồi. Máy kinh vĩ là một loại máy đo đạc tương đối chính xác và toàn diện. Có nhiều kiểu khác nhau do nhiều nước tiên tiến trên thế giới sản xuất.
2. Nguyên lý cấu tạo:
Một máy kinh vĩ chủ yếu được cấu tạo như sau:
- Hai vành độ: ngang và đứng
- Trục chính là trục sau khi cân bằng sẽ trùng với phương thẳng đứng đi qua đỉnh góc đo.
- Trục phụ là trục quay của ống kính; nó vuông góc với trục chính.
- Trục ngắm của ống kính vuông góc với trục quay của ống kính, khi quay trục ngắm sẽ tạo nên một mặt phẳng thẳng đứng.
- Vành độ ngang có tâm nằm trên trục chính dùng để đo góc bằng.
- Vành độ đứng có tâm nằm trên trục phụ dùng để đo góc đứng.
3. Phân loại máy kinh vĩ:
Theo cấu tạo máy kinh vĩ (vật liệu làm bàn độ) được chia ra làm 3 loại
- Máy kinh vĩ kim loại: có vành độ làm bằng kim loại. Đây là thế hệ đầu tiên của máy kinh vĩ, hiện nay chúng không còn được sản xuất nữa.
- Máy kinh vĩ quang học (Quang Cơ): có các vành độ làm bằng kính quang học. số đọc trên các vành độ được đọc nhờ ống kính hiển vi. Loại máy này trong một thời gian được sử dụng rất phổ biến. Hiện nay tuy vẫn còn được sử dụng nhưng xu thế ngày các ít dần.
- Máy kinh vĩ điện tử: đây là loại máy đang được sử dụng nhiều. Cấu tạo vành độ là các đĩa từ, việc đọc số được hoàn toàn tự động, do vậy sử dụng rất tiện lợi
Theo độ chính xác đo góc máy kinh vĩ được phân thành:
- Máy kinh vĩ chính xác cao. Là những máy có thể đo góc với sai số trung phương một lần đo <1”.
- Máy kinh vĩ chính xác, có thể đo góc với β = 2÷10”
- Máy kinh vĩ kỹ thuật, có thể đo góc với β = 15÷30”
4. Riêng về máy kinh vĩ quang học:
Máy kính vĩ quang học (quang cơ): Là loại máy có vành độ được chế tạo từ thủy tinh quang học, bộ phận đọc số bằng hệ thống lăng thấu kính, kính mắt của kính hiển vi đọc số được bố trí bên cạnh kính mắt của ống kính. Tuy nhiên, sơ đồ cấu tạo bộ phận đọc số của các loại máy lại không giống nhau.
Ở đây ta không nghiên cứu những máy đơn giản có độ chính xác thấp và những máy đặc biệt tinh vi có độ chính xác cao mà ta chỉ tìm hiểu những máy kinh vĩ thông thường có độ chính xác trung bình người ta hay dùng trong đo đạc công trình.
a. Cấu tạo chung: Một máy kinh vĩ chủ yếu được cấu tạo như sau (hình 3-2), trong đó: VV: trục chính ( trục đứng, trục quay máy) HH: Trục phụ ( trục ngang, trục quay ống kính ). CC: Trụ ngắm. LL: Trục ống bọt nước dài 1. Ống kính ngắm . 2. Ốc điều ảnh ( ốc cự li). 3. Ống kính hiển vi đọc số. 4. Giá đỡ ống kính. 5. Ốc hãm chuyển động ống kính. 6. Ốc vi động đứng. 7. Gương chiếu sáng. 8. Vành độ và du xích đứng. 9. Ống bọt nước dài. 10. Vành độ và du xích ngang. 11. Ốc hãm và vi động ngang |
- Trục chính: Là trục sau khi cân bằng sẽ trùng với phương thẳng đứng đi qua đỉnh góc đo.
- Trục phụ: Là trục quay của ống kính, nó vuông góc với trục chính.
- Trục ngắm: Trục ngắm của ống kính vuông góc với trục phụ. Khi quay trục ngắm sẽ tạo nên một mặt phẳng đứng.
- Vành độ ngang: Vành độ ngang có tâm nằm trên trục chính dùng để đo góc bằng.
- Vành độ đứng: Vành độ đứng có tâm nằm trên trục phụ dùng để đo góc đứng.
* Nhìn chung, một máy kinh vĩ có 3 bộ phận chính:
- Bộ phận ngắm (ống kính ngắm): Kính vật, kính mắt, vòng dây chữ thập, ốc điều ảnh.
- Bộ phận đọc số: Vành độ và du xích (đứng, ngang), kính hiển vi đọc số.
- Bộ phận cân bằng: Ống bọt nước (tròn, dài).
- Ngoài 3 bộ phận trên còn có các ốc hãm và ốc vi động.
Công ty TNHH Tân Hưng | Nhà phân phối độc quyền thiết bị trắc địa Nikon & Spectra tại Việt Nam
♦ Trụ sở chính: Tầng 15 Tòa nhà Diamond Flower, 48 Lê Văn Lương, KĐTM N2, Q. Thanh Xuân, TP Hà Nội♦ Chi nhánh miền Trung: 171 Lê Duẩn, Q. Hải Châu, TP Đà Nẵng♦ Chi nhánh miền Nam: 154 Phổ Quang, Q. Phú Nhuận, TP Hồ Chí Minh
Hotline: 0969.468.891
Website: www.nikon-spectra.vn